Văn minh trà Việt - Tự hào trà Shan Tuyết Cổ Thụ Việt Nam
Shan Tuyết là “Đệ nhất danh trà Việt”, chẳng những vậy, nó gần như là một sản phẩm đặc trưng của Trà Việt. Nói đến trà Shan Tuyết nhắc người ta liên tưởng đến vùng núi sương mù bao phủ, phong cảnh hữu tĩnh.
Loại trà này chủ yếu là trà hoang dã kéo dài suốt vùng lãnh thổ phía Tây Bắc, vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn của Việt Nam. Thưởng thức loại trà sạch này cho ta đậm vị hoang dã và thiên nhiên, trở về cái nôi trà của nhân loại từ nhiều ngàn năm trước. Phân bố trên độ cao từ 800m đến 2800m trên mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ.
Trà Shan Tuyết cho búp lớn tới 0,7gr đến 0,9gr, cây gỗ lớn, cao hằng chục mét, hai đến ba người ôm không hết, tán lá tới trên 10m – 25m. Người ta chỉ khai thác búp, lá non, lá dày và mặt lá có tuyết trắng. Vùng núi Hoàng Liên Sơn dày đặc trà Shan Tuyết, vùng nguyên liệu tiềm tàng, đặc sản và là niềm tự hào của Trà Việt.
Song tài sản vô giá còn chưa mấy người biết đến là rừng trà cổ thụ nguyên sinh chưa in dấu chân người được ông Trần Ngọc Lâm phát hiện trong thậm nhiên cuối cùng của thế kỷ 20.
Ngoài kho thuốc tiên trời ban nơi Hoàng Liên Sơn, ông Lâm còn được tổ tiên đưa đường chỉ lối đến một rừng trà nguyên sinh cổ thụ chưa từng in dấu chân người. Ông Lâm, “Người rừng” thời @ có thâm niên 12 năm sống trong hang đá trên núi, đã nhiều lần chuẩn bị cả balo lương thực, rắp tâm đi đến tận cùng của rừng chè … song dù đã mỏi gối chồn chân ông vẫn chưa lần nào thỏa lòng ước nguyện.
Rừng "Lão Chè" hoang dã bạt ngàn thấp thoáng trong mây trên độ cao 2.000 đến 2.800m của Hoàng Liên Sơn, thật kinh ngạc! Những cụ "Lão Chè" nơi đây hẳn đã đắc đạo thành “tiên trà”, thân to tới ba người ôm, tán phủ rộng chừng 25m vuông, vươn cao hơn 20m không nhìn rõ ngọn trong mù sương, ước chừng vài ngàn năm tuổi.
Đây thực sự là một loại cây siêu giá trị trong Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. Ông Lâm đã có thời gian lái xe thuê xuyên Á, từ Trung Quốc qua Tây Tạng, Ấn độ, Trung Đông, sang tận Châu Âu. Nhiều lần đi qua vùng Assam – Ấn Độ, nơi có rất nhiều huyền thoại liên quan đến trà. Các trà nhân, chuyên gia trà khắp nơi trên thế giới coi Assam như vùng Thánh địa trà, thường hành hương về đây phục lạy dưới những gốc chè to cả người ôm và có tuổi tới ngàn năm, được coi là những cây chè tổ của các chè trên thế giới để tỏ lòng ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, khi phát hiện rừng chè hoang dã trên đại ngàn Hoàng Liên Sơn, ông Lâm không chút do dự khẳng định rằng: Lão chè Hoàng Liên Sơn xứng đáng tôn lên hàng cụ Thủy Tổ của những cây chè Assam Ấn Độ mà thế giới đang bái mộ.
Theo tính toán của các chuyên gia thực vật học, với loài trà khi sinh trưởng trên độ cao trên 2.000m, trong điều kiện giá lạnh khắc nghiệt, nghèo dinh dưỡng của Phan Xi Păng, mỗi năm nó chỉ lớn được chưa đầy vài mini mét. Nếu như vậy để có được đường kính thân tới ba người ôm (hàng mét), chúng đã tồn tại hàng vài ngàn năm có lẻ.
Năm 2003, có chàng người Nhật tên Muteki thuê ông dẫn đường lên đỉnh Phan Xi Păng, lóc nhà Đông Dương. Trên đường đi, khi được ông Lâm kể chuyện về rừng trà cổ chưa dấu chân người, chàng kỹ sư Nhật liền bị hớp hồn bèn đổi ý chuyển đi tìm trà Shan Tuyết Hoàng Liên Sơn.
Sau hai ngày đi bộ liên tục, ngày đua với lũ sơn dương, đêm nằm nghe đại ngàn xào xạc ru, xen đệm tiếng vượn hú, thú gầm. Đường đi có lúc phải xuyên qua khu rừng trúc kỳ lạ, trúc uốn cuộn vòng tròn như hang loài rồng nhưng thực ra đó là dấu vết đường đi của những bày trâu rừng chạy qua.
Suốt ba ngày trời phát cây tìm đường, cuối cùng hai dị nhân cũng đến được rừng chè cổ thụ, cây cao đến hàng trục mét. Ông Lâm đập tay vào thân một cây trà cổ thụ bảo: “Cứ gốc cây nào rêu xanh, lộ ra vỏ trắng, thì đó là chè”. Muteki dùng móng tay cạy một mẩu vỏ, ngắm nghía, nghĩ một lúc, rồi cho vào miệng nhai. Anh xác nhận: “đúng là chè cổ thụ, chè thứ thiệt rồi”.
Mãi rồi Muteki cũng đứng lên với vẻ mặt vô cùng vui sướng, miệng lảm nhảm như kẻ mất trí: “kỳ trà, kỳ trà!”.. Anh bảo: “nếu có rừng chè này ở Nhật Bản, anh sẽ thành tỷ phú đô la vì loại trà này có hương vị rất đặc biệt, nên giá bán cực đắt ở Nhật Bản!”.
Suốt một tuần liền, cứ sáng sớm Người rừng Ngọc Lâm leo lên những cây chè cao chót vót, tỉa những cành chè già nhất, nhỏ bằng chiếc đũa đem xuống. Muteki treo ngược những cành chè lên trước chòi ngắm nghía, đun nước sôi rồi ngắt từng lá chè đầy răng cưa và thân rất dày, lau sạch, vò nát cho vào chiếc ấm du lịch nhỏ pha trà uống, đêm xuống lại về hang đá tá túc.
Hàng sáng, Muteki đứng nghiêm trang dõng dạc hát bài quốc ca Nhật trước khi thưởng trà. Suốt cả tuần trong rừng trà, hàng ngày, Muteki đeo kiếm, quỳ gối, nâng niu bát chè xanh, tận hưởng hương trà rồi mới thưởng thức. Thưởng thức xong một bát, anh ta lại tuốt kiếm ra múa. Múa kiếm chán lại thưởng trà. Thưởng trà xong lại hát, giọng âm vang cả đại ngàn.
Hết thời hạn, chàng kỹ sư Nhật nắm chặt tay ông Lâm thổn thức: “đây là rừng chè cổ nhất thế giới, và loại chè này cũng ngon nhất thế giới. Nếu rừng chè này ở bên Nhật, thì nó đã đem lại cho nước Nhật vinh quang lớn rồi. Vườn chè này sẽ mang lại nhiều tỉ đô la nếu mỗi năm nếu đưa vào khai thác”.
… Quả thật lão Trà Shan Tuyết Hoàng Liên Sơn là báu vật trời ban cho người Việt chúng ta, hãy trân trọng và nâng niu mãi muôn đời.
– Trích “Văn minh Trà Việt” tác giả Trịnh Quang Dũng, trang 185.
Related articles
5 unique and classy ancient tea gift sets
Choosing a gift for special occasions is always a difficult problem for everyone regardless of situation or relationship. Tet gifts are even more special because Lunar New Year is the biggest holid...
Đánh thức Trà là gì? Tại sao Trà ép banh (Trà phổ nhĩ) cần được đánh thức trước khi pha?
Đánh thức Trà là gì? Đánh thức trà có giúp chúng ta có được tách trà thơm ngon và bổ dưỡng hơn không? luôn là thắc mắc của các Trà hữu khi tìm hiểu về trà. Dưới đây là bài viết chia ...
5 yếu tố tạo nên hương thơm đặc trưng của Trà ép bánh [trà phổ nhĩ]
Hương thơm của trà ép bánh (trà phổ nhĩ) đặc trưng chính là “hương thời gian”, trà ép bánh càng để lâu “hương thời gian’ càng nổi bật. Tuy nhiên từ “hương thời gian” mang một nghĩa rộng, bao gồm cả...